TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
PHƯỜNG 1
THÀNH PHỐ SA ĐÉC

 
Chủ nhật, 10/11/2024

“Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – 75 năm nhìn lại

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngay trong những ngày đầu lập nước, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách: Nền kinh tế bị đình đốn trong chiến tranh, tài chính đất nước kiệt quệ, nạn đói vẫn là mối đe dọa lớn, trình độ văn hóa của nhân dân thấp kém, đa số còn mù chữ, thất học; chủ nghĩa đế quốc và phản động bao vây, đe dọa từ mọi phía… Trước những khó khăn to lớn, chồng chất ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ kêu gọi, động viên toàn dân tham gia các phong trào tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói, đẩy mạnh phong trào thanh toán nạn mù chữ và nâng cao dân trí, vận động xây dựng “Đời sống mới”… để giải quyết nạn đói, thanh toán nạn dốt, chống thù trong giặc ngoài, đưa đất nước ra khỏi vòng hiểm nguy, giữ vững quyền tự do, độc lập. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để động viên nhân tài, vật lực cho “kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Tiếp đó, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước.
Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”[1] để “Toàn dân đủ ăn đủ mặc, Toàn dân biết đọc, biết viết, Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm, Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”. Theo Người, Thi đua yêu nước cần phải tiến hành một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều” và kêu gọi: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hoá”.
Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi và hiệu quả trên khắp các mặt trận: từ tiền tuyến đến hậu phương; trên khắp các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự…; Ở khắp các giới, các ngành, các cấp… Kết quả của các phong trào thi đua ái quốc đã đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Chỉ với khoảng 400 từ ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã thể hiện tương đối đầy đủ những quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề thi đua yêu nước. Hiện nay, hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam cũng như thế giới đã có rất nhiều thay đổi, vì thế những nhiệm vụ đặt ra trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng có nhiều sự khác biệt so với thời điểm Lời kêu gọi thi đua ái quốc ra đời. Song, những tư tưởng, quan điểm, phương châm, nguyên tắc về thi đua yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, là kim chỉ nam cho việc tổ chức và triển khai phong trào thi đua yêu nước, với một số bài học cụ thể như:
Thứ nhất: Việc xây dựng và phát triển các phong trào thi đua yêu nước cần căn cứ vào yêu cầu, tình hình và nhiệm vụ cụ thể của từng phạm vị cũng như giai đoạn. Các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, phù hợp với tính chất của từng ngành, từng giới… nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.
Thứ hai: Để phong trào thi đua yêu nước có chất lượng, hiệu quả, thiết thực cả bề rộng và chiều sâu đều phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân, xuất phát từ lực lượng, quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Phong trào thi đua ái quốc chỉ có thể thành công khi toàn dân có ý thức, tự nguyện và tích cực tham gia.
Thứ ba: Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thi đua chứ không phải ganh đua”, nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao, “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao”. Đồng thời, thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng, khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; Cần phải khen thưởng đúng người, đúng việc. Làm được điều đó sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.
75 năm đã trôi qua, cùng với những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Tác giả: An Khang
Nguồn: Trang tin về hoạt động thư viên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 556.

Điểm xếp hạng trung bình 0


Nội dung tuyệt vời(0)
Nội dung hay(0)
Bình thường(0)
Không quan tâm(0)
Không phù hợp(0)
0 lượt xếp hạng
Mời bạn là người đầu tiên xếp hạng và nhận xét